Thể thủy tinh là một bộ phận trong suốt của mắt, giúp hội tụ ánh sáng lên võng mạc. Thể thủy tinh khi không còn trong suốt mà trở nên mờ đục sẽ ngăn cản không cho ánh sáng đi qua, dẫn đến mờ mắt. Bệnh lý này được gọi là đục thủy tinh thể,.
Phaco là viết tắt của Phacoemulsification. Phẫu thuật có cơ chế là sử dụng năng lượng sóng âm tần số cao để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo để khôi phục thị lực cho người bệnh.
Hiện nay, đây là phương pháp phẫu thuật an toàn, hiệu quả nhất và thường được các bác sĩ chỉ định đối với các bệnh nhân mắc đục thủy tinh thể. Kết quả là tầm nhìn của người bệnh được cải thiện một cách rõ rệt.

Khi đục thủy tinh thể ảnh hưởng chất lượng nhìn, gây khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt của người bệnh thì có chỉ định mổ thay thể thủy tinh nhân tạo.

Giai đoạn lý tưởng là khi thị lực của bệnh nhân còn khoảng 3/10 – 4/10. Một số trường hợp đặc biệt bệnh nhân có thể được mổ ở những giai đoạn rất sớm khi thị lực của mắt ở mức 5/10 – 6/10 nếu họ thường xuyên phải lái xe hay làm các công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Khi mắc bệnh đục thủy tinh thể bệnh nhân không nên đợi cho đến khi mắt không nhìn thấy mới tiến hành phẫu thuật vì khi đó thủy tinh thể đã quá chín có thể gây biến chứng và làm giảm tỉ lệ thành công cho quá trình phẫu thuật.

Sau khi thủy tinh thể nhân tạo được đặt vào mắt, nó sẽ tồn tại suốt cuộc đời còn lại của bệnh nhân mà không sợ bị hỏng hay thoái hóa.

Phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể nhân tạo chỉ làm 1 lần, việc thay thế thủy tinh thể nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thị giác do bao thủy tinh thể bị tác động nhiều lần Trường hợp đặc biệt khác như: lệch thủy tinh thể nhân tạo do chấn thương nhãn cầu thì sẽ cần thực hiện phẩu thuật chỉnh đặt lại thủy tinh thể, nếu thủy tinh thể bị rơi vào buồng dịch kính thì sẽ cần thay thế bằng 1 loại TTT chuyên dụng khác có càng treo cố định nhằm cải thiện thị lực.

Việc lựa chọn thủy tinh thể để thay phụ thuộc vào tình trạng mắt người bệnh, nhu cầu thị giác và kinh tế của bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần khám mắt, chụp chiếu kỹ càng trước phẫu thuật Phaco, sau đó bác sĩ căn cứ và các kết quả khám để tư vấn và lựa chọn loại thể thủy tinh nhân tạo phù hợp, hiệu quả nhất với người bệnh.
Phẫu thuật Phaco không đau, không chảy máu, với vết mổ rất nhỏ ở rìa giác mạc không cần khâu và băng mắt sau phẫu thuật. Thời gian phục hồi sau mổ rất nhanh.

Thị lực sau mổ phụ thuộc vào tình trạng đáy mắt (võng mạc) của người bệnh đã được khám và tư vấn, tiên lượng trước phẫu thuật. Người bệnh phẫu thuật ở giai đoạn sớm đục thủy tinh thể thường đạt thị lực cao hơn so với mổ ở giai đoạn thủy tinh thể đã bị xơ cứng.

Hầu hết bệnh nhân có thể nhìn thấy ngay trong những ngày đầu sau mổ Phaco. Số ít trường hợp đặc biệt (phẫu thuật Phaco ở giai đoạn nhân thủy tinh thể quá cứng,...) thì người bệnh có thể cải thiện thị lực chậm hơn, sau khoảng 1-2 tuần tra thuốc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phẫu thuật Phaco không có chống chỉ định với bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phẫu thuật Phaco, bệnh nhân cần được khám nội tổng quát (xét nghiệm các chỉ số đường máu, đo huyết áp,…) để đảm bảo sức khỏe đáp ứng được cuộc phẫu thuật. Những bệnh nhân đục thủy tinh thể có kèm bệnh tăng huyết áp, tiểu đường thì phải đảm bảo có chỉ số huyết áp bình thường và chỉ số đường huyết ổn định (dưới 9). Những trường hợp bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tiểu đường đang ở mức cao, huyết áp không ổn định thì sẽ phải điều trị cho tới khi tình trạng sức khỏe ổn, cho phép thực hiện phẫu thuật.
Trường hợp bệnh nhân có các bệnh lý đáy mắt: Bác sĩ sẽ thảo luận, tiên lượng kết quả phẫu thuật và bệnh nhân sẽ quyết định đồng ý phẫu thuật hay không. Cũng có trường hợp để điều trị bệnh lý tại võng mạc cần bắt buộc thay thủy tinh thể nhân tạo thì mới có thể điều trị bệnh đáy mắt.

Mắt mờ đi sau phẫu thuật Phaco một thời gian do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là do đục bao sau thứ phát (đây là một màng trong suốt còn để lại trong quá trình phẫu thuật giúp đặt thể thủy tinh nhân tạo lên trên). Nếu bệnh nhân bị đục bao sau thứ phát cần tiến hành phương pháp laser mở bao sau, thị lực của bệnh nhân sẽ lại được phục hồi.

Các nguyên nhân khác gây mờ mắt ở tuổi già có thể gặp là tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, glôcôm… Bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện chuyên khám mắt để được khám và điều trị.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây